Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Trình bày những cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên, hình ảnh đất nước và tấm lòng

Câu hỏi số 245002:
Vận dụng cao

Trình bày những cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên, hình ảnh đất nước và tấm lòng nhà thơ thể hiện trong đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

 

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao…

 

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)

Phương pháp giải

phân tích, tổng hợp.

Giải chi tiết

1. Giới thiệu chung

Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm và nội dung đoạn thơ được trích:

- Thanh Hải (1930 -1980) tên thật Phạm Bá Ngoãn, quê ở Thừa Thiên Huế.

- Là một trong những cây bút lớn gây dựng văn hóa cách mạng ở miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

- Phong cách: nhẹ nhàng, tha thiết, đậm chất trữ tình.

- Hoàn cảnh sáng tác: tháng 11-1980 một tháng trước khi nhà thơ qua đời.

- Tác phẩm thể hiện tình yêu cuộc sống, gắn bó với đất nước, với cuộc đời và ước nguyện chân thành, đẹp đẽ của tác giả, muốn được sống có ích, hòa nhập, dâng hiến cho cuộc đời chung, góp một mùa xuân nhỏ nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

- Nội dung đoạn thơ: cảm xúc tâm trạng của nhà thơ trước mùa xuân của đất trời, của đất nước, cách mạng.

2. Phân tích

2.1. Cảm xúc trước mùa xuân đất trời

a) Bức tranh mùa xuân

- Không gian mùa xuân cao rộng, bao la của dòng sông – mặt đất – bầu trời, gợi nên sự thanh bình, yên ả.

- Màu sắc tươi tắn, hài hòa: màu xanh mênh mông của dòng sông làm nền cho màu hoa tím biếc – một sắc màu tươi sáng, dịu dàng rất đặc trưng của xứ Huế.

- Nhưng cái hay của câu thơ đâu chỉ ở hình ảnh mà còn cả ở cách diễn đạt: đó là sự tinh tế trong cách dùng đảo ngữ và động từ “mọc”, sự sáng tạo này càng nhấn mạnh vào sự xuất hiện của bông hoa trên cái nền xanh của dòng sông, khiến hình ảnh bông hoa tím biếc vừa gợi hình vừa gợi cảm… Bông hoa từ dưới lòng sông như đang từ từ vươn lên xòe nở, khoe sắc. Từ đó khắc sâu hơn về vẻ đẹp và sức sống của thiên nhiên xứ Huế mỗi độ xuân về.

- Hòa vào vẻ đẹp ấy là âm thanh vội vã vui tươi, náo nức của con chim chiền chiện đang hót vang trời. Tiếng hót líu lo ấy càng làm bức tranh trở nên sinh động, hấp dẫn.

b) Cảm xúc của tác giả

- Vẻ đẹp của mùa xuân đã khiến nhà thơ không kìm nén nổi cảm xúc của mình và cất lên tiếng gọi, lời hỏi thật trìu mến, thiết tha: “ơi, con chim…vang trời”.

+ Từ “ơi” đặt ở đầu câu biểu đạt niềm vui sướng, xúc động mãnh liệt, tạo nên một cuộc trò chuyện trực tiếp đầy yêu thương giữa con người và thiên nhiên.

+ Đồng thời tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, khiến cho những chú chim trở nên gần gũi, thân thiết như một người bạn. Qua đó còn thể hiện sự hân hoan, giao hòa giữa con người và cảnh vật.

- Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất trời không chỉ thể hiện ở sự bất ngờ khi bắt gặp một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông, ở sự thích thú tiếng chim hót vang trời mà còn thể hiện trực tiếp qua động tác say sưa giao hòa với thiên nhiên: “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”.

=> Có thể nói chỉ bằng đôi ba nét chấm phá, Thanh Hải đã vẽ ra bức tranh xứ Huế tươi đẹp, tràn đầy sức sống cùng cảm xúc say sưa, ngây ngất lòng người.

2.2. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước, cách mạng

a) Từ mùa xuân của thiên nhiên tác giả trào dâng cảm xúc mùa xuân của đất nước.

- Nhà thơ đã sáng tạo ra hình ảnh sóng đôi “người cầm súng – người ra đồng” tượng trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng đất nước.

(1) hai câu đầu: tác giả nhấn mạnh mùa xuân của người cầm súng với “lộc giắt đầy trên lưng”

+ “lộc” mang ý nghĩa tả thực là chồi non, cành biếc mơn mởn nhưng nó còn có ý nghĩa biểu tượng cho sức sống mùa xuân, cho những mong muốn, thành quả tốt đẹp, cho niềm tin chiến thắng.

(2) hai câu sau: nói về mùa xuân của những người lao động

+ “Lộc” tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc, được mùa, dưới bàn tay của họ “lộc trải dài nương mạ”. Câu thơ gợi cho ta hình ảnh những cánh đồng lúa xanh cứ trải dài ra mênh mông, bát ngát. Người nông dân đang gieo mùa xuân trên đồng ruộng, gieo màu xanh của hạnh phúc, ấm no trên khắp mọi miền đất nước.

+ Điệp từ “lộc” và các từ “giắt đầy” “trải dài” gợi một màu xanh bất tận, một sức xuân đang dâng trào trên khắp nẻo đường đất nước.

=> Mùa xuân như tiếp thêm khí thế, nghị lực cho con người trên mặt trận xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chính họ đã làm nên mùa xuân đất nước.

(3) hai câu cuối.

-  Trước không gian mùa xuân, sức sống mùa xuân, lòng người như rạo rực, xốn xang “tất cả như …xôn xao”:

+  Điệp ngữ “tất cả” diễn tả sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động.

+  Từ láy “hối hả, xôn xao” và biện pháp so sánh gợi không khí lên đường, nhịp sống khẩn trương, liên tục không ngừng nghỉ cùng tâm trạng háo hức, hăng say của con người.

=> Cả khổ thơ dạt dào một niềm vui giục giã con người lên đường, hòa vào nhịp sống của dân tộc.

b) Từ sự cảm nhận mùa xuân của đất nước, nhà thơ nghĩ đến dân tộc trong sự suy tư:“Đất nước…gian lao”

(1) Hai câu đầu:

- Hai từ “vất vả, gian lao” gợi cho ta thấy bao gian lao thử thách mà nhân dân phải trải qua suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Thế nhưng trước những khó khăn đó ta vẫn “đi lên” với sự bền bỉ, kiên định.

- Điệp ngữ “đất nước” vừa có giá trị tạo nhạc vừa nhấn mạnh lịch sử dân tộc ta có bốn nghìn năm với bao gian lao vất vả nhưng  không  bao giờ chịu lùi bước.

(2) Câu thơ “Đất nước như vì sao…phía trước” là một hình ảnh so sánh đẹp, nhiều ý nghĩa:

-  Sao là ánh sáng lấp lánh, là vẻ đẹp vĩnh hằng của bầu trời trong không gian và thời gian. Hình ảnh này còn gợi cho ta nhớ đến ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ. So sánh như vậy phải chăng tác giả bộc lộ niềm tự hào với đất nước Việt Nam anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn và vững vàng trong mọi khó khăn, thử thách.

- Ở câu thơ tiếp, ba tiếng “cứ đi lên” vang lên chắc nịch như một sự khẳng định, ý chí quyết tâm cao độ và niềm tin sắt đá của dân tộc để dựng xây đất nước.

=> Khổ thơ bộc lộ niềm tự hào, niềm tin tưởng mãnh liệt của nhà thơ vào sự bền bỉ của đất nước và khí thế đi lên của dân tộc.

2.3 Đặc sắc nghệ thuật

- Sử dụng hình ảnh so sánh, ẩn dụ sáng tạo.

- Hình ảnh thơ vừa giản dị, vừa đẹp đẽ.

- Giọng điệu thiết tha.

- Sử dụng điệp từ linh hoạt.

3. Đánh giá chung

- Khổ thơ đã bộc tâm hồn yêu thiên nhiên, niềm tự hào và niềm tin tưởng mãnh liệt của tác giả trước tương lai của đất nước.

- Sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật, giọng văn tha thiết, giàu tình cảm

Câu hỏi:245002

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com