Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình: - Giá tôi đẻ ít

Câu hỏi số 330309:
Vận dụng cao

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

- Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…

- Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không? – Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.

- Không chú ạ, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chặt.

- Vậy sao không lên bờ mà ở - Đẩu hỏi.

- Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

- Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

- Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…

- Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

- Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…

- Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, - bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, - trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?

- Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng rôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – và lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.

- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.75 – 76)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ với nhân vật cô vợ nhặt (truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân) để nhận xét cách nhìn của hai nhà văn về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 

Phương pháp giải

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Giải chi tiết

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.

Giới thiệu nhân vật

a. Chân dung, lai lịch:

* Lai lịch:

- Không gọi tên nhân vật -> đây chỉ là một đại diện cho những người phụ nữ khốn khổ, đại diện cho những người đàn bà hàng chìa ở ven biển.

* Ngoại hình:

- Lần thứ nhất: Xuất hiện ở bãi xe tăng hỏng:

+ Chạc ngoài 40 tuổi.

+ Thân hình cao lớn với những đường nét thô kệch.

-> Ngoại hình quen thuộc của những người đàn bà vùng biển.

+ Xấu xí, rỗ mặt.

+ Gương mặt mệt mỏi, tái ngắt sau một đêm thức trắng kéo lưới.

- Lần thứ 2: Xuất hiện ở tòa án huyện:

+ Sợ sệt, lúng túng. (vì quen với môi trường sông nước, lạ lẫm khi bước vào căn phòng toàn bàn ghế, giấy tờ…).

+ Thu mình, ngồi mớm ở mép ghế -> Sợ sự xuất hiện của mình gây phiền hà, vướng víu cho người khác.

- Luôn giữ khuôn mặt bình thường, không biểu lộ ra bên ngoài -> phải dụng công tìm hiểu.

b. Số phận khổ đau, bất hạnh:

* Cuộc sống nghèo khổ, lam lũ:

- Vốn được sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố buôn bán những vật dụng phục vụ nghề chài lưới nhưng lại không được ưu ái về nhan sắc, sau một trận đậu mùa mặt bị rỗ chằng chịt -> càng xấu.

- Gặp gỡ và lấy một anh con nhà hàng chài.

- Cuộc sống chốn sông nước bấp bênh lại đẻ nhiều con -> bấp bênh hơn.

- Gia cảnh túng thiếu, nghèo đói, nhất là những khi biển động.

* Là nạn nhân của bạo hành gia đình:

- Bị bạo hành về thể xác: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.

- Bị giày vò về tinh thần: Cảm thấy nhục nhã trước mặt con cái, lo lắng cho tâm hồn các con bị vấy bẩn, có những lệch lạc trong nhận thức, đặc biệt lo cho thằng Phác. Sự lo lắng luôn đeo bám khiến chị không lúc nào cảm thấy yên ổn.

Phân tích nhân vật

*Người phụ nữ sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời

- Người đàn bà hàng chài ý thức được hoàn cảnh của mình, thấu hiểu người chồng vốn hiền lành nhưng cuộc sống vất vả, túng quẫn biến anh ta thành kẻ vũ phu. Vì vậy chị luôn nhẫn nhục, chịu đựng, chấp nhận bị chồng đánh thường xuyên và xem chuyện chịu đựng là một lẽ đương nhiên. Chị coi đây là một cách cảm thông, chia sẻ với người chồng bất hạnh.

- Ý thức rất rõ bổn phận và thiên chức của một người phụ nữ.

- Khi được mời đến tòa án huyện, chị đã đưa ra lí do để xin không phải bỏ chồng; lí do xuất phát từ những điều vô cùng giản dị mà sâu sắc trong cuộc sống: vì chồng, vì con, vì thực tế cuộc sống còn lam lũ, bấp bênh của người dân chài.

- Chị cũng rất thông cảm với Phùng và Đẩu, những người nhiều chữ nghĩa nhưng lại không hiểu hết những vấn đề của cuộc sống người dân chài còn đầy vất vả, lo toan.

- Chị luôn chắt chiu niềm hạnh phúc nhỏ bé, bình dị trong chuỗi ngày dài dằng dặc với những khó nhọc: Khi vợ chồng con cái hòa thuận, vui vẻ, khi các con được ăn no.

* Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, bao dung:

- Tất cả mọi người đều đề xuất giải pháp từ chối, tẩy chay gã đàn ông, riêng chị thì không. Chị sẵn sàng đứng im chịu trận, không chống trả, không bỏ chạy.

-> Rất thấu hiểu chồng, thông cảm cho chồng.

*Người phụ nữ yêu và thương con sâu sắc:

-Sẵn sàng cam chịu, nhẫn nhịn chồng đánh để rồi người chồng tiếp tục cùng chị chèo chống gánh nặng mưu sinh, để đàn con được ăn no -> đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị.

- Xin chồng đưa lên bờ đánh để không làm ảnh hưởng đến các con.

Liên hệ với cô vợ nhặt trong tác phẩm “Vợ nhặt” – Kim Lân

*Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Kim Lân là cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân.

- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

* Giới thiệu nhân vật

- Vợ nhặt là cô gái có lai lịch không rõ ràng, ngoại hình thảm hại do cái đói gây ra.

- Cô đã theo Tràng về làm vợ qua một lời “nửa đùa nửa thật”.

* Phân tích nhân vật

- Nhân vật mang khát vọng sống mãnh liệt

- Nhân vật mang vẻ đẹp nữ tính

- Nhân vật mang niềm tin vào tương lai

* Điểm giống và khác nhau giữa hai nhân vật:

- Giống nhau:

+ Họ đều là những người phụ nữ mang trong mình những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

+ Họ đều có hoàn cảnh riêng éo le, trải qua những bất hạnh

- Khác nhau:

+ Người vợ nhặt là số phận của một phụ nữ trước Cách mạng tháng Tám bị nạn đói làm cho khổ sở nhưng cuối cùng cô đã có được chỗ bấu víu và bước đầu thấy được con đường đổi đời.

+ Người phụ nữ trong “Chiếc thuyền ngoài xa” là số phận của một người phụ nữ sau chiến tranh với những nỗi khổ về cơm áo, là nạn nhân của bạo lực gia đình.

ð  Mỗi nhà văn có cách khai thác khai nhau về hình tượng người phụ nữ nhưng đều tựu chung ở điểm: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở họ vẫn sáng lên những phẩm chất tuyệt vời.

Tổng kết
Câu hỏi:330309

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com