Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” nhà văn Tô Hoài đã miêu tả nhân vật Mị vào đêm cắt

Câu hỏi số 332144:
Vận dụng cao

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” nhà văn Tô Hoài đã miêu tả nhân vật Mị vào đêm cắt dây cởi trói cho A Phủ: “Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ…” và “Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt”:

- A Phủ cho tôi đi

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất”

(Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục)

Phân tích hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó nhận xét về vẻ đẹp nhân vật này.

Phương pháp giải

phân tích, tổng hợp

Giải chi tiết

1. Giới thiệu chung

- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.

2. Phân tích

a. Giới thiệu nhân vật

- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” -> nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.

- Tài năng: thổi sáo, thổi lá. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:

+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”

+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”

+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”

-> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.

b. Phân tích Mị trong hai lần miêu tả

* Lần 1

- Hoàn cảnh:

+ Mấy đêm nhìn thấy A Phủ bị trói nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi, Mị hoàn toàn vô cảm.

+ Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị nhớ lại đời mình. Mị thương mình, căm thù bọn thống lý Pá Tra. Mị đồng cảm với nỗi đau của A Phủ

- Tâm trạng:

+ Mị nhớ lại đời mình: ý thức về thân phận.

+ Mị lại tưởng tượng …. Mị phải chết trên cái cọc ấy: trong đầu Mị lúc này không phải là hình ảnh của A Phủ mà là hình ảnh của chính mình, là cái chết của Mị khi A Phủ trốn đi.

+ Nghĩ thế, trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ: nhà văn tinh tế diễn tả ý nghĩ bên trong của nhân vật. “Không thấy sợ”, đồng nghĩa với việc không sợ vị trói thay, không sợ cái chết… Ý nghĩ này thực chất là biểu hiện của sức sống mãnh liệt. Cho nên dẫn đến hành động táo bạo: cắt dây cỏi trói cho A Phủ sau này.

- Nghệ thuật: Tô Hoài đã lách sâu vào tâm lí bên trong nhân vật, chủ yếu chọn điểm nhìn bên trong nên lời kể của tác giả có xu hướng biến thành độc thoại nội tâm của nhân vật.

* Lần 2

- Hoàn cảnh: Mị đã cắt dây cởi trói cho A Phủ. Sau khi A Phủ đi, Mị rất lo sợ. Và Mị quyết định vụt theo A Phủ.

- Hành động: Nhanh nhẹn, dứt khoát, quyết liệt và dũng cảm: trước đó Mị đã “vụt chạy” “băng đi” đến đây Mị đã “đuổi kịp” “lăn” “chạy”… Tác giả đã sử dụng loạt các động từ để miêu tả sự vùng lên quật cường của Mị. Bước đi của cô như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến đương thời.

- Lời nói:

+ “Cho tôi đi” “Ở đây thì chết mất”: nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh của bản thân. Nếu như trước đó vì lòng thương người Mị không sợ chết thì giờ đây Mị lại sợ chết. Tô Hoài đã miêu tả tâm lí nhân vật rất hợp quy luật. Khi cắt dây trói cho A Phủ, Mị không thấy sợ vì lúc đó tình thương người lấn át nỗi thương mình; khi gỡ được hết dây trói cho A Phủ - tình thương người được giải phóng thì nỗi thương mình lại trở lại. Nỗi sợ hãi, tình thương mình đã tiếp thêm sức mạnh cho Mị.

- Nguyên nhân:

+ Do sự thúc bách của tình thế khiến Mị không thể làm khác, bởi Mị hiểu ở đây mình sẽ chết.

+ Đó là nỗi sợ tất yếu của một quá trình dồn nén, bức xúc cả về thể xác và tinh thần đối với Mị.

+ Đồng thời đó cũng vừa là biểu hiện, vừa là kết quả một sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ đã được trỗi dậy trong con người Mị, kết thúc cả quãng đời đày ải, tối tăm trong nhà thống lý Pá Tra để bắt đầu một cuộc đời mới.

- Ý nghĩa:

+ Hành động này có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời Mị. Cùng với hành động giúp A Phủ cởi dây trói tạo thành bản lề khép lại bóng tối sau lưng mở ra ánh sáng cho chặng đường phía trước. Nếu hành vi cắt dây trói là biểu hiện sự sự chống lại cường quyền thì hành vi chạy trốn theo A Phủ là vượt thoát thế lực thần quyền, của ý thức đầy tăm tối đã bị trình ma nhà thống lí. Chỉ khi vượt qua được nỗi sợ hãi về thần quyền thì Mị mới đến được bến bờ tự do.

+ Hành động chạy theo A Phủ là mắt xích quan trọng trong diễn biến câu chuyên, thúc đẩy sự phát triển tiếp theo của cốt truyện.

+ Hành động này góp phần làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

c. Nhận xét về vẻ đẹp nhân vật.

- Trong lần thứ nhất, tác giả tập trung khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật giúp người đọc cảm nhận được sự biến đổi trong Mị. Đó là sự biến đổi từ nỗi thương mình đến thương người, lòng thương người đã lấn át cả nỗi sợ về cái chết. Như vậy, chính tình thương đã biến Mị từ người đàn bà nô lệ thành người đàn bà mạnh mẽ.

- Trong lần thứ hai, tác giả tập trung miêu tả hành động và lời nói nhân vật. Tình thương đã biến thành hành động. Sau bao năm vô cảm, lùi lũi Mị cũng đã đối diện với nỗi sợ của mình. Mị đã hồi sinh trở lại, vùng lên đấu tranh, ngọn lửa sức sống âm thầm mà mạnh mẽ, kết thành hành động táo bạo, dứt khoát. Mị đã vượt qua cả cường quyền và thần quyên

=> Bằng cảm quan nhân đạo sâu sắc, Tô Hoài đã phát hiện ra vẻ đẹp của Mị đó là sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do mãnh liệt.

- Ý nghĩa:

+ Cho thấy đầy đủ chân dung nhân vật Mị - một cô gái miền núi với khát vọng sống và tự do mãnh liệt.

+ Thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác phẩm

+ Thể hiện tài năng của Tô Hoài trong việc xây dựng nhân vật. 

Câu hỏi:332144

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com