Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Chọn một trong hai đề sau: Đề một: “Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa,

Câu hỏi số 420248:
Vận dụng cao

Chọn một trong hai đề sau:

Đề một:

“Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên chân dung của những niềm yêu sống, luôn rạo rực, luôn sinh sôi. Anh thanh niên làm công tác khí tượng, cô kĩ sư trẻ, ông họa sĩ già, cả bác lái xe, đều là những con người hạnh phúc. Họ hạnh phúc bởi họ được làm những việc mà họ yêu thích, tiếp xúc với những con người mà họ cảm mến, phấn đấu cho lí tưởng mà họ lựa chọn. Cả tác phẩm là một niềm vui, cái lặng lẽ của thiên nhiên cũng như cái im lặng của con người không khuất lấp được niềm vui rạo rực, sinh sôi ấy”.

(Đoàn Ánh Dương, “Lặng lẽ Sa Pa – lặng lẽ mà trỗi sống”, Tạp chí Nhà văn số 4/2013)

Anh/ chị có cho rằng những nhân vật trong truyện là những con người hạnh phúc? Hãy chọn một nhân vật để phân tích. Trong thời đại ngày nay, anh/ chị có lựa chọn hạnh phúc theo cách của nhân vật trong truyện hay không?

Đề hai:

Cảm thụ của người đọc đa dạng và thay đổi qua thời đại. Theo anh/ chị, như thế nào là một tác phẩm hay?

Hãy đưa ra nhận định và phân tích qua một tác phẩm văn học cụ thể.

Câu hỏi:420248
Phương pháp giải

phân tích, lý giải, tổng hợp

Giải chi tiết

Đề một

1. Nhận định những nhân vật trong truyện là những người hạnh phúc là hợp lí. Anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe, mỗi người một công việc, một độ tuổi khác nhau nhưng họ đều thấy vui với những gì đang làm. Gặp anh thanh niên, cô kĩ sư càng chắc chắn hơn với quyết định của mình. Sa Pa lặng lẽ là nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu để thấy có những người vẫn đang miệt mài ngày đêm cống hiến thầm lặng cho đất nước.

2. Phân tích nhân vật anh thanh niên cho thấy đây là một con người hạnh phúc

2.1. Hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật anh thanh niên

- Anh là “người cô độc nhất thế gian”, một mình làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng bốn bề mây phủ cây phong, lạnh rét. Anh cô độc đến “thèm người” và luôn “nhớ người”.

- Công việc mỗi ngày của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”, dự báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

2.2. Tính cách, phẩm chất tốt đẹp của nhân vật anh thanh niên

a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:

- Tình cảm gắn bó, sự quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.

+ Lấy khúc cây chắn ngang đường để dừng xe -> thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện và được nghe tiếng nói, tiếng cười.

+ Gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe -> quan tâm đến cả những người tình cờ gặp gỡ -> trái tim biết yêu thương, sẻ chia.

+ Trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư -> Lòng đôn hậu, sự thân thiện của anh.

- Tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:

+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình -> trồng hoa trước nhà.

+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp -> căn nhà anh ở sạch sẽ…

+ Biết nối mình với cuộc sống văn minh, tự nâng cao hiểu biết, chuyên môn nhờ đọc sách -> nhờ bác lái xe mua sách.

=> Giúp anh thanh niên hoàn toàn chủ động, vượt qua cuộc sống khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần.

b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.

- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:

+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn m so với mặt biển -> dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.

+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”

+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, từng giúp không quân bắn rơi máy bay.

- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:

+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.

+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.

-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.

- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:

+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)

+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét -> tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.

+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.

=> Anh thanh niên là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.

c. Anh là người khiêm tốn, thành thực

- Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của anh, anh từ chối bởi thấy công việc và những đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với “ông kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa”, “đồng chí nghiên cứu khoa học” đang nghiên cứu lập bản đồ sét với tất cả niềm say mê, hào hứng… Anh nhiệt thành giới thiệu để ông họa sĩ vẽ chân dung của họ - những con người làm việc hết mình, thầm lặng, những cống hiến đáng trân trọng và khâm phục.

=> Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã khắc họa thành công hình ảnh anh thanh niên với những phẩm chất đáng quý. Anh là người sống đẹp, sống có ý nghĩa, luôn nghĩ và làm việc cho đất nước. Nhân vật anh thanh niên là tấm gương tiêu biểu của hình tượng người lao động mới trong xã hội chủ nghĩa, ngày đêm lặng thầm góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Anh thanh niên hạnh phúc với công việc của mình và với những người mà anh tiếp xúc, anh lan tỏa năng lượng hạnh phúc ấy đến với bất cứ ai anh gặp.

3. Liên hệ

- Thế hệ của những nhân vật trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa là thế hệ trong kháng chiến chống Mỹ, hi sinh bản thân mình vì công việc chung của đất nước là điều nằm trong nhận thức và theo họ là lẽ dĩ nhiên.

- Học sinh nêu lên quan điểm của mình về vấn đề có lựa chọn hạnh phúc theo cách của nhân vật trong truyện hay không. Đồng thời lí giải hợp lí với lựa chọn của mình.

- Định hướng: học sinh có thể nêu lên cách lựa chọn hạnh phúc của mình nhưng dù cách nào vẫn hướng đến những giá trị cốt lõi: làm cho bản thân hạnh phúc, yêu chính mình nhưng không vì thế mà bỏ quên hay ích kỉ với những người bên cạnh. Hạnh phúc sẽ nhân lên nhiều lần nếu biết lan tỏa, truyền trao cho những người xung quanh. “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm.”….

Đề hai:

1. Giải thích

- Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng mà sức sống của nó chính là dựa vào sức mạnh của tư tưởng.

- Cảm thụ của người đọc đa dạng và thay đổi qua thời đại. Đặt trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những giá trị của tác phẩm ngôn từ sẽ được người đọc tiếp thu. Tuy nhiên, không nên lấy cái nhìn xã hội học dung tục để cảm nhận giá trị của một tác phẩm.

- Một tác phẩm văn học hay có nhiều tiêu chí đáng giá, nhưng quan trọng hơn hết là điểm xuất phát đầu tiên cũng như mục đích hướng đến cuối cùng phải là con người. Tác phẩm có giá trị phải hướng con người đến những điều tốt đẹp, dù có nói đến cái ác, cái xấu nhưng vẫn phải nâng con người lên “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. (Thạch Lam). Muốn được như thế, “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tủy”. (Sê khốp); “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. (Ai-ma-tôp)

- Tác phẩm văn học cũng phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt nông cạn. Nhà văn không bê nguyên si các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động… Thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người…Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thực sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian. Chính vì thế, nhà phê bình Đặng Thai Mai nhận định “Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã cảm thấy sâu sắc mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại.”

2. Chọn một nhận định và chứng minh qua một tác phẩm

- Học sinh được tùy chọn một nhận định và chứng minh đúng nhận định thông qua phân tích tác phẩm.

- Hướng dẫn ví dụ: Nhận định “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.”

+ Nội dung của tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những khám phá, phát hiện riêng của người nghệ sĩ.

+ Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang thông điệp của người nghệ sĩ.

- Chứng minh qua bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật.

+ Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã thể hiện được “điều mới mẻ” và “lời nhắn nhủ” của riêng nhà thơ trên cơ sở “vật liệu mượn ở thực tại”.

+ Vật liệu mượn ở thực tại” trong tác phẩm là hiện thực cuộc kháng chiến chống Mĩ với nhiều khó khăn, gian khổ và tinh thần chiến đấu, đời sống tình cảm của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn.

+ Điều mới mẻ: Nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp riêng của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ từ chính những khó khăn, gian khổ của hiện thực: Phong thái ung dung, tự tin và tinh thần dũng cảm, hiên ngang, bất chấp bom đạn, coi thường gian khổ, hiểm nguy, luôn hướng về phía trước. Tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, nét tinh nghịch đáng yêu của những người lính trẻ; niềm lạc quan phơi phới vượt lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Trong gian khổ, tình đồng chí, đồng đội được thể hiện cũng thật vô tư, tinh nghịch mà chân thành. Trái tim mang tình yêu Tổ quốc là sức mạnh thôi thúc tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu vì miền Nam, tình yêu đó mạnh hơn tất cả đạn bom, cái chết. (So sánh với hình ảnh người lính trong thời kì chống Pháp)

 => Vẻ đẹp của họ có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa cái vĩ đại phi thường với cái giản dị đời thường.

+ Điều mới mẻ thể hiện trong nghệ thuật của bài thơ: nhan đề lạ, sáng tạo ra một hình ảnh thơ độc đáo, giọng điệu và ngôn ngữ thơ rất đặc sắc, rất gần vời lời nói thường ngày, đậm chất văn xuôi; sự đối lập giữa cái không và cái có... để thể hiện chân thực và sinh động vẻ đẹp của những người lính.

+ Lời nhắn nhủ (Đây cũng là tư tưởng chủ đề của tác phẩm): hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ mãi là biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Họ chính là những con người đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, sức mạnh và tinh thần chiến đấu của họ đã khẳng định một chân lí của thời đại: sức mạnh tinh thần có thể chiến thắng sức mạnh vật chất.

3. Tổng kết

- Tác phẩm sáng tác trong thời đại chống Mĩ nhưng sức sống của nó vẫn còn mãi.

- Đặt trong những hoàn cảnh khác nhau, người đọc được cảm nhận những giá trị tư tưởng của tác phẩm và tự biết ý thức về trách nhiệm của mình.

* Lưu ý: Học sinh có thể chọn một nhận định khác nhưng phải thực hiện yêu cầu phân tích làm sáng tỏ nhận định ấy qua một tác phẩm. Có thể liên hệ, mở rộng, so sánh với các tác phẩm khác. Bài chấm đề cao khả năng vận dụng, cảm nhận của học sinh.

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com