Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Nhà văn Nga K. Pau-tốp-xki cho rằng: Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng

Câu hỏi số 649407:
Vận dụng cao

Nhà văn Nga K. Pau-tốp-xki cho rằng: Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Câu hỏi:649407
Phương pháp giải

Phân tích, giải thích, bàn luận,…

Giải chi tiết

* Giải thích và bàn luận ý kiến

- Giải thích

+ Chất thơ: là chất trữ tình, thể hiện ở việc bộc lộ tình cảm, cảm xúc bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu và sức biểu cảm.

+ Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa chất thơ sẽ trở thành thô thiển: hiện thực cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm văn xuôi khi không chứa chất thơ sẽ chân thực đến trần trụi, thô ráp.

+ Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả: khi không chứa chất thơ, hiện thực được phản ánh trong tác phẩm văn xuôi sẽ không mang tính định hướng, không có khả năng tác động đến tư tưởng, tâm hồn người đọc.

=> Bằng cách nói phủ định, ý kiến trên đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của chất thơ trong văn xuôi: chất thơ chính là đôi cánh nâng đỡ để hiện thực cuộc sống được phản ánh vừa trở nên thi vị, trong sáng, giàu tính thẩm mĩ vừa thúc gọi, dẫn dắt, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn cho tâm hồn bạn đọc.

* Bàn luận (Lí giải)

- Vì sao cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi cần chứa đựng chất thơ?

+ Xuất phát từ bản chất và chức năng của văn học: văn học là tiếng nói của tình cảm thẩm mĩ, văn học là lĩnh vực của cái đẹp. Cái đẹp đó toát lên từ vẻ đẹp của bức tranh đời sống, hình tượng nhân vật hay những rung động phong phú của tâm hồn con người trước cuộc sống. Cái đẹp đó cũng được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật tương xứng.

+ Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn xuôi là tự sự, nhà văn thường chú ý đến xây dựng cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, tình huống. Trong khi đó phương thức biểu đạt chủ yếu của thơ là biểu cảm, nhà thơ tập trung bộc lộ tiếng nói tâm hồn mình bằng vần điệu. Vì vậy, khi văn xuôi chứa đựng chất thơ sẽ tạo nên phong vị ngọt ngào, dễ lan thấm vào tâm hồn người đọc.

+ Trong thực tế sáng tác, các nhà văn thường có xu hướng phối hợp, đan xen nhiều thể loại. Đưa chất thơ vượt biên giới thể loại sang văn xuôi chính là sự vận dụng kết hợp linh hoạt, sáng tạo nhiều phương thức biểu đạt của nhà văn.

=> Chất thơ trong truyện ngắn được biểu hiện qua một số phương diện đặc sắc về nội dung và những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật.

* Chứng minh: Ý nghĩa của chất thơ trong văn xuôi qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

        Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Sáng tác của ông tập trung viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội với một bút pháp giàu chất thơ-thấm đẫm chất trữ tình, nhẹ nhàng, trầm lắng tha thiết.

- Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác năm 1970, in trong tập Giữa trong xanh (1972).

      Chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện qua những đặc sắc về nội dung:

-  Chất thơ toát lên từ bức tranh thiên nhiên

+ Phong cảnh Sa Pa – núi cao với thác đổ trắng xoá, đường núi uốn lượn quanh co, cây cối rậm rạp chen nhau hiện dần lên bức tranh hấp dẫn: những rặng đào, những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ, sự thanh bình yên ả tạo nên bức tranh lung linh huyền ảo. Nắng ở Sa Pa cũng thật tuyệt vời: nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo.

+ Bức tranh thiên nhiên thu nhỏ nơi mảnh vườn của anh thanh niên: với đủ các loại hoa, màu sắc rực rỡ: hoa dơn, thược dược, vàng tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…

=> Bức tranh phong cảnh thiên nhiên đẹp của Sa Pa đã góp phần tạo nên chất trữ tình-chất thơ cho tác phẩm, được miêu tả qua cái nhìn của người hoạ sĩ già, thấm đượm hài hoà giữa vẻ đẹp của tự nhiên và cuộc sống con người.

  - Chất thơ toát lên từ cuộc gặp gỡ tình cờ, cuộc sống, tâm hồn, ý nghĩ, cảm xúc của những con người trong truyện.

+ Cô kĩ sư trẻ bỏ phố phường phồn hoa để đến công tác nơi miền núi cao hẻo lánh, hoang vu.

+ Ông hoạ sĩ già sắp về hưu nhưng vẫn cháy bỏng khát vọng sáng tạo nghệ thuật, tâm hồn nhạy cảm yêu đời, yêu người.

+ Đặc biệt là anh thanh niên một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, công việc vất vả gian khổ vẫn luôn yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; suy nghĩ lạc quan đúng đắn về công việc và cuộc sống…Ngoài ra các nhân vật khác như ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét… cũng hết lòng cống hiến cho đất nước.

                  (Thí sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu để phân tích)

=> Vẻ đẹp của những con người lao động thầm lặng nhưng nhiệt huyết cống hiến hết mình cho tổ quốc đã góp phần tạo nên chất thơ lung linh ngời sáng cho truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

        Chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện qua những sáng tạo nghệ thuật:

- Nhan đề và tình huống truyện:

+ Nhan đề gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu xa: lặng lẽ đi với địa danh Sa Pa gợi cho người đọc về một vùng đất yên tĩnh thơ mộng với những chuyến du lịch nghỉ ngơi. Nhưng lặng lẽ còn gợi cho người đọc về sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ của những con người đang ngày đêm hết lòng cho đất nước. => Nhan đề đã làm nổi bật cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.

+ Tình huống truyện đơn giản: đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa bốn nhân vật: bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn trong khoảng thời gian ngắn ngủi 30 phút nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc.

- Những câu văn du dương giàu nhạc tính, ngôn ngữ giàu chất thơ chất hội hoạ: cả tác phẩm có âm hưởng du dương miên man nhờ những câu văn dài, bay bổng giàu nhạc tính: nhà hoạ sĩ thì còn trở lại, nhưng cô, trong đất trời Tây Bắc bạt ngàn, trong cuộc đời mông mênh nói chung chốc nữa, chắc là cô sẽ đi luôn, biến mất, có cái gì tặng lại anh ta, như anh ta nói, kỉ niệm lần gặp gỡ này. Nhịp điệu du dương của câu văn gợi ra cái mênh mông diệu vợi của đất trời Sa Pa bảng lảng mây và lung linh nắng, cái rộng lớn của đời người, và cả cái bâng khuâng của biết bao cảm xúc không tên trong trái tim cô kĩ sư.

- Truyện có sự kết hợp giữa tự sự trữ tình với bình luận.

- Nhân vật chính được thể hiện qua lời giới thiệu của bác lái xe và cách nhìn nhận đánh giá của nhân vật khác làm cho chân dung và vẻ đẹp của nhân vật hiện lên một cách khách quan, chân thực và sinh động.

=> Chất trữ tình trong tác phẩm đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn, thể hiện sâu sắc chủ đề tư tưởng là ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam trong thời kì xây dựng CNXH. Đồng thời cũng tạo nên dấu ấn độc đáo, đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Thành Long.        

* Đánh giá

- Ý kiến trên của nhà văn Nga K. Pau-tốp-xki đã đề cao, đánh giá ý nghĩa quan trọng của chất thơ trong văn xuôi. Đồng thời cũng là những chia sẻ kinh nghiệm quý giá của một cây bút đã không ngừng lao động sáng tạo viết lên những áng văn xuôi đẹp.

- Chất thơ trong văn xuôi là một yếu tố đặc sắc trong tác phẩm. Tuy nhiên, việc đưa chất thơ vào trong văn xuôi không có nghĩa là nhà văn thoát li hiện thực đời sống, tô hồng và thi vị hoá cuộc sống. Văn học phải phản ánh chân thực hiện thực đời sống, người nghệ sĩ phải phát hiện, rung động và đưa vào trong tác phẩm của mình chất thơ của đời sống.

- Bài học cho người sáng tạo: nhận biết được sự quan trọng cần thiết của chất thơ trong văn xuôi, có trái tim nhạy cảm, tinh tế, biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người…

- Bài học cho người tiếp nhận: cần có khả năng thưởng thức và đánh giá giá trị của tác phẩm, đồng điệu và trân trọng với những sáng tạo của người nghệ sĩ.

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com