Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng: Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng:
Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời. Thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh.
(Theo Đa mang một cõi lòng không yên định, NXB Hội nhà văn, 2021, tr.267)
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Phân tích những trải nghiệm, chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình trong bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, Tập một) để làm sáng tỏ ý kiến.
Phân tích, lí giải, chứng minh,….
a. Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề (nhận định, tác phẩm), Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
Thí sinh không trích dẫn nhận định hoặc không nêu tác phẩm cần phân tích khi giới thiệu vấn đề nghị luận, không cho điểm.
b. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Giải thích nhận định:
- Trải nghiệm: những điều cảm nhận, nếm trải trong đời sống thực tiễn; trải nghiệm thể hiện sự từng trải, vốn sống của người cầm bút.
- Chiêm nghiệm: những suy tưởng, triết lí của người viết về cuộc sống, con người; chiêm nghiệm thể hiện tư tưởng, quan điểm của tác giả trước cuộc đời.
=> Nội dung nhận định bàn về mối liên hệ giữa thơ ca và đời sống, về giá trị tư tưởng của thơ ca: Thơ không chỉ gắn liền với trải nghiệm, vốn sống của người cầm bút; thơ còn thể hiện suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ về nhân sinh.
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Duy, tác phẩm “Ánh trăng”.
* Phân tích những trải nghiệm và chiêm nghiệm của Nguyễn Duy trong bài thơ “Ánh trăng”
- “Ánh trăng” thể hiện những trải nghiệm của Nguyễn Duy trong trường đời: Ba khổ thơ đầu nhắc lại những trải nghiệm phong phú của nhân vật trữ tình (hồi nhỏ với đồng, với sông, với biển, hồi chiến tranh ở rừng sống hồn nhiên, gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, vầng trăng là người bạn tri kỉ nghĩa tình luôn bên cạnh, gắn bó với con người; từ hồi về thành phố, quen sống với những tiện nghi hiện đại, vầng trăng trở nên xa lạ như người dưng qua đường); qua đó, nhà thơ nhấn mạnh sự thay đổi của con người, sự nhạt phai của lòng người trong quá trình vận động và biến đổi của đời sống.
- “Ánh trăng” thể hiện những chiêm nghiệm của Nguyễn Duy về thế sự, nhân sinh: Ba khổ thơ sau là những chiêm nghiệm sâu sắc của nhân vật trữ tình khi đối diện với vầng trăng trong tình huống bất ngờ đèn điện tắt, phòng buyn-đinh tối om (vầng trăng khiến nhân vật trữ tình rưng rưng nhận ra vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên, sự vĩnh hằng của đời sống; vầng trăng tròn vành vạnh khiến nhà thơ nhận ra sự vẹn nguyên của quá khứ, sự tròn đầy của nghĩa tình; vầng trăng im phăng phắc như là lời cảnh tỉnh về thái độ của con người với quá khứ của chính mình, của dân tộc); qua đó, bài thơ gợi những suy tưởng sâu sắc về mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, về những giá trị cao đẹp, vững bền của đời sống, về đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, lẽ sống ân nghĩa thủy chung của dân tộc…
- Những trải nghiệm, chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình được thể hiện bằng thể thơ năm chữ, giọng điệu linh hoạt, ngôn ngữ giàu sức gợi, hình ảnh phong phú: những trải nghiệm được tái hiện bằng giọng tự sự, nhịp thơ chảy trôi đều đặn, những chi tiết hình ảnh cụ thể, giàu chất sống; những chiêm nghiệm được bộc lộ bằng giọng điệu trữ tình khi thiết tha khi trầm lắng, hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng…
* Đánh giá
- Được viết ra từ trải nghiệm và chiêm nghiệm nên “Ánh trăng” của Nguyễn Duy vừa giàu chất sống vừa giàu chất triết lí, vừa thấm đượm nỗi đời vừa lắng đọng lẽ đời; đây là yếu tố quan trọng làm nên giá trị và sức hấp dẫn của tác phẩm.
- Nhận định của nhà phê bình Chu Văn Sơn ngắn gọn, xác đáng; nhắc nhở người viết về giá trị của những trải nghiệm trong sáng tạo, về sự cần thiết phải chuyển hóa trải nghiệm thành chiêm nghiệm để tác phẩm có chiều sâu tư tưởng; gợi mở để người đọc có thêm góc nhìn khi tìm hiểu, đánh giá về giá trị của tác phẩm thơ nói riêng, tác phẩm văn học nói chung.
Hỗ trợ - Hướng dẫn
-
024.7300.7989
-
1800.6947
(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com