Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Có ý kiến cho rằng: Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả. Anh (Chị) hiểu ý kiến

Câu hỏi số 659556:
Vận dụng cao

Có ý kiến cho rằng: Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả.

Anh (Chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến đó qua bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Câu hỏi:659556
Phương pháp giải

Phân tích, giải thích, bàn luận, …

Giải chi tiết

1. Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo tới đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp, không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn phải đẹp một cách riêng (Raxun Gamzatop). Văn chương luôn đòi hỏi những người nghệ sỹ biết đào sâu, tìm tòi, khơi những điều chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai có, bởi Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả.

- Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thành công khi thể hiện cái tôi rất riêng của mình qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Tác phẩm sáng tác năm 1969, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khi nhà thơ tham gia chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn, trước sự phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ vào nước ta. Có thể khẳng định, tác phẩm mang cái riêng rất độc đáo và đặc sắc.

2. Giải thích nhận định

- Riêng: nét mới, cái độc đáo.

- Vì sao văn chương phải có cái riêng: văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một chân trời riêng, một biên cương riêng. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.

- Vì sao văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả: mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm văn chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Hay nhà văn có phong cách mờ nhạt, không có dấu ấn riêng sẽ dễ bị người ta lãng quên. Cái riêng ấy thường được thể hiện qua giọng điệu, cách nhìn của nhà văn, yếu tố độc đáo về nội dung hay nghệ thuật, cách sử dụng các biện pháp tu từ…

=> Nhận định nhấn mạnh tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cái độc đáo cho tác phẩm.

3. Cái mới, cái độc đáo trong nhan đề bài thơ

- Nhan đề bài thơ khá dài, tưởng có chỗ thừa nhưng vì thế mà thu hút sự chú ý của người đọc. Nhan đề ấy làm nổi bật hình ảnh của cả bài - hình ảnh những chiếc xe không kính - một biểu tượng độc đáo. Đây là sự phát hiện thú vị của tác giả, thể hiện sự gắn bó và am hiểu hiện thực khốc liệt của đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn.

- Hai chữ Bài thơ cho thấy rõ cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: ông không chỉ viết về những chiếc xe không kính, viết về hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà chủ yếu muốn khám phá chất thơ từ hiện thực ấy - chất thơ của thế hệ trẻ Việt Nam hiên ngang, dũng cảm, lạc quan vượt lên mọi gian khó, hiểm nguy.

4. Cái riêng được thể hiện qua những chiếcxe không kính

- Trong bài thơ nổi bật lên một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính vẫn băng ra chiến trường.

+ Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền nếu đưa vào thơ ca thường được mĩ lệ hóa, lãng mạn hóa  và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn tả thực (như chiếc xe tam mã trong thơ Pu-skin, đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận...)

+ Nay chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật là một hình ảnh thực, thực đến trần trụi. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực: Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi. Cái hình ảnh thực này được diễn tả bằng hai câu thơ rất gần với câu văn xuôi, lại có giọng thản nhiên (Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi) càng gây ra sự chú ý về vẻ khác lạ của nó. Bom đạn chiến tranh còn làm cho những chiếc xe ấy biến dạng thêm, trần trụi hơn nữa: Không có kính rồi xe không có đèn/Không có mui xe, thùng xe có xước. Những chiếc xe không kính không chỉ là chứng tích cho thấy sự tàn phá ác liệt của chiến tranh mà còn là minh chứng hào hùng vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng.

- Hình ảnh chiếc xe không kính vốn không hiếm trong chiến tranh, nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm với nét ngang tàng và tinh nghịch, thích cái lạ như của Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa nó vào thành hình tượng thơ độc đáo của thời chiến tranh chống Mĩ.

=>Hình ảnh chiếc xe không kính tạo nên cái tứ thơ lạ và độc đáo gợi tả cái ác liệt, dữ dội của chiến tranh, vừa bộc lộ phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ lái xe. Hình tượng những chiếc xe không kính góp phần khắc họa nét tư thế, chân dung của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng.

5. Hình ảnh độc đáo của những chiến sĩ lái xe (1,0điểm)

- Tư thế hiên ngang của người lính trẻ. Họ đều là những người trẻ tuổi phần lớn xuất thân từ tầng lớp trí thức và có sự dũng cảm, ung dung(Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…) Đảo ngữ ung dung, điệp từ nhìn nhấn mạnh tư thế ung dung, cái nhìn đầy tự chủ, bất khuất, không thẹn với trời đất của người lính.

- Tinh thần lạc, quan bất chấp gian khổ, coi thường hiểm nguy của người lính:Không có kính ừ thì có bụi/Bụi phun tóc trắng như người già/Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha…Cấu trúc không có kính ừ thì... chưa cần lặp lại và chi tiết phì phèo châm điếu thuốc, Nhìn nhau mặt lấm cười haha, đã cho thấy sự ngang tàng, bất chấp gian khổ của người lính.

- Hình ảnh người lính trong bài thơ còn có tình đồng đội, đồng chí son sắc, gắn bó. Xe không kính, cả đoàn xe có thể bắt tay qua cửa kính vỡ mà không cần mở nó ra, thật thú vị. Tình đồng đội hóa tình gia đình. Ăn thì phải nấu bếp bí mật là bếp Hoàng Cầm, ngủ thì võng mắc ngay trên đường xe chạy chông chênh, nhưng có hề chi, người lính lại đi, lại đi, bầu trời vẫn xanh thêm.

-  Điều cốt lõi nhất để những người lính làm được tất cả những việc trên chính là lòng yêu nước và ý chí chiến đấu vì miền Nam ruột thịt: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong xe có một trái tim.

=> Bài thơ đã tạc lên bức chân dung độc đáo về người chiến sĩ lái xe Trường Sơn - can trường, quả cảm. Đó là hình ảnh tiêu biểu của anh bộ đội cụ Hồ, của dân tộc Việt Nam thời chống Mỹ.

6. Nét riêng ở nghệ thuật

- Thể thơ tự do, đậm chất văn xuôi, đa dạng kiểu câu, nhịp điệu luôn luôn biến hóa.

- Khai thác chất liệu hiện thực chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã đưa vào thơ những chi tiết, hình ảnh rất thực làm giàu thêm chất liệu thơ ca.Nghệ thuật tương phản giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài và bên trong, giữa cái không có và cái có. Bài thơ có sự hòa quện giữa cảm hứng lãng mạn cách mạng và âm hưởng sử thi hào hùng của văn học Việt Nam những năm 1945 -1975.

- Ngôn ngữ thơ giản dị, đậm chất khẩu ngữ.

- Chất giọng trẻ trung, giọng điệu ngang tàng, tinh nghịch, dí dỏmđậm chất lính của bài thơ bắt nguồn từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam thời chống Mỹ mà chính nhà thơ đã sống, đã trải nghiệm. Đây cũng là một đóng góp đặc biệt của Phạm Tiến Duật cho thơ ca viết về người lính của văn học dân tộc.

7. Đánh giá chung

- Bằng cái riêng trong nội dung và nghệ thuật, Phạm Tiến Duật đưa thơ của mình gần với người đọc, mặc dù có chất riêng, nhưng thơ của Phạm Tiến Duật cũng có những cái chung trong đề tài hình ảnh người lính trong kháng chiến khiến cho bài thơ không hề lạc lõng. Quả thật, Phạm Tiến Duật đã góp phần vào đề tài thơ văn một bài thơ độc đáo với chất giọng riêng của mình.

- Bài thơ là một khám phá đáng trân trọng của tác giả, gợi mở cho các nhà thơ tạo nên phong cách của riêng mình.Vẫn là khẳng định tinh thần bất khuất quyết thắng của quân đội ta, nhưng Phạm Tiến Duật đã đem lại nhiều hình ảnh mới và giọng điệu mới: trẻ trung, tinh nghịch, ngang tàng mà kiên định.(Trần Đình Sử)

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com