Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Đọc văn bản: (1)… Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ

Đọc văn bản:

(1)… Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong. Lớn lên ở Huế, không lúc nào tôi không cảm thấy thành phố này như một khu vườn thân mật của mình. Ở đó, tôi có thể tư duy cùng với hoa sen, khát vọng với hoa phượng, mơ mộng với mùi hương sâu thẳm của hoa ngọc lan ban đêm, và khi thành phố lộng lẫy trong sắc mai vàng mùa Xuân, không hiểu sao lại thấy lòng thức dậy một niềm ngưỡng mộ bao la đối với cuộc sống.

(2) Cũng ít có một thành phố nào như nơi đây, giữa tạo vật và con người luôn luôn gắn bó một tình bạn thân thiết và tươi xanh đến như vậy. […] Ở đây, quan hệ con người – cây cỏ xuất phát từ một truyền thống triết lý sâu xa của phương Đông rất được nhấn mạnh trong tâm thức người Huế, rằng con người vốn là kẻ cư ngụ trong căn nhà lớn của vũ trụ; từ đó, trong cố gắng vươn tới niềm hạnh phúc về tinh thần, con người luôn luôn biểu hiện nỗi khát khao tìm về nơi ăn chốn ở nguyên khởi của nó, nơi thực sự nó đã sinh ra. Dân gian kể rằng trong nỗi bất hạnh của đời người, cô Tấm đã hai lần sống ngụ trong cây thị và cây sầu đông. Tôi thường đọc thấy cái ý tưởng ấy bàng bạc khắp nơi trong cảm hứng của các nghệ sĩ Huế: những nghệ nhân trang trí thích dùng môtíp con chim phượng (chim phượng luôn luôn tượng trưng cho sự thăng hoa của tâm linh) hóa thân từ lá cây; trong một tác phẩm lụa của họa sĩ Tôn Thất Đào, núi Ngự Bình được nhìn thấy như là một cô gái nằm mơ màng giữa những cánh thư màu xanh vốn là những ruộng lúa; hoặc nơi này nơi kia trong những bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn: “nhiều khi tưởng tôi là lá cỏ – ngồi hát ca rất tự do”.

(Trích Hoa trái quanh tôi - Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập 1, NXB Trẻ 2023, tr. 5-6.)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Trả lời cho các câu 1, 2, 3, 4 dưới đây:

Câu hỏi số 1:
Nhận biết
Xác định thể loại của văn bản.
Phương pháp giải

Vận dụng kiến thức đã học về các thể loại văn bản đã học.

Giải chi tiết

Thể loại của văn bản: Bút kí/Kí.

Câu hỏi số 2:
Thông hiểu
Theo tác giả, khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế đã có cách ứng xử thế nào với thiên nhiên?
Phương pháp giải

Đọc, tìm ý.

Giải chi tiết

Theo tác giả, khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế đã có cách ứng xử với thiên nhiên: tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong.

Câu hỏi số 3:
Thông hiểu
Trong đoạn (2), suy tư của tác giả về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người xứ Huế được tổng hợp từ tri thức thuộc những lĩnh vực nào?
Phương pháp giải

Vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ.

Giải chi tiết

Gợi ý:

Trong đoạn (2), suy tư của tác giả về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người xứ Huế được tổng hợp từ tri thức thuộc các lĩnh vực : triết học, văn học, hội họa, âm nhạc…/triết học và nghệ thuật

Câu hỏi số 4:
Vận dụng
Cảm nhận của tác giả: Lớn lên ở Huế, không lúc nào tôi không cảm thấy thành phố này như một khu vườn thân mật của mình có ý nghĩa gì với anh/chị?
Phương pháp giải

Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Giải chi tiết

Cảm nhận của tác giả: Lớn lên ở Huế, không lúc nào tôi không cảm thấy thành phố này như một khu vườn thân mật của mình có ý nghĩa: Đánh thức trong ta những tình cảm dành cho thiên nhiên, quê nhà; khơi gợi trong ta những khát vọng về cuộc sống chan hòa với thiên nhiên…

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com