Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài viết: Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như

Câu hỏi số 706627:
Vận dụng cao

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài viết:

Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.“Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào... ”. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.

Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ. Mị bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm sâm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay là họ cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết. Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Nhớ thế, Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau dứt từng mảnh thịt.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.08 - 09)

Anh/Chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đoạn trích trên; từ đó, liên hệ với hình ảnh người đàn bà “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” được miêu tả trong truyện để rút ra nhận xét về sự đổi thay của nhân vật.

Câu hỏi:706627
Phương pháp giải

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Giải chi tiết

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

I. Giới thiệu chung

- Tô Hoài là nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ sáng tác năm 1952 sau chuyến đi Tây Bắc của Tô Hoài. Truyện kể về hành trình từ bóng tối cuộc đời cũ bước ra ánh sáng tương lai nhờ sức sống mạnh mẽ và khát vọng tự do của người lao động vùng cao trước Cách mạng.

- Khái quát vấn đề: Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đoạn trích; từ đó, liên hệ với hình ảnh người đàn bà “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” được miêu tả trong truyện để rút ra nhận xét về sự đổi thay của nhân vật.

II. Phân tích

1. Phân tích diễn biến tâm trạng Mị.

* Khái quát về nhân vật Mị.

- Hoàn cảnh: nghèo khổ, gia đình có món nợ truyền kiếp, là nạn nhân của những tập tục lạc hậu ở miền núi.

- Phẩm chất: xinh đẹp, tài hoa, chăm chỉ lao động, giàu lòng tự trọng và hiếu thảo

- Số phận bất hạnh: trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, sống kiếp đời nô lệ khổ đau cùng cực.

- Tình huống: trong đêm tình mùa xuân, tâm hồn băng giá của Mị hồi sinh trở lại. Cô sống lại những cảm xúc tươi trẻ nồng nàn ngày nào, lòng muốn đi chơi xuân như những đêm tết ngày trước. Đúng lúc đó A Sử về. Hắn lạnh lùng trói Mị vào cái cột ở xó buồng rồi khép cửa đi ra.

* Diễn biến tâm trạng của Mị khi bị A Sử trói.

- Trước đó, Mị đã uống rượu và say nên sợi dây trói của A Sử chưa phát huy tác dụng. Thân thể trong vòng dây trói nhưng tinh thần Mị hoàn toàn tự do:

+ Mị quên thực tại, chìm đắm trong thế giới tự do, bay bổng cùng tiếng sáo: Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.

+ Tâm hồn Mị vượt thoát khỏi hiện thực khổ đau, bi kịch, phiêu du theo những cuộc chơi, những đám chơi...

+ Tiếng sáo là tác nhân tạo nên sự hồi sinh thức tỉnh trong tâm hồn nhân vật. Đây là âm thanh quen thuộc trong đời sống văn hóa người vùng cao. Tiếng sáo gọi bạn tình, là lời yêu của những lứa đôi dành cho nhau. Từ thực tại khách quan, tiếng sáo đã trở thành tiếng vọng trong tâm tưởng, khơi dậy lòng ham sống và khát vọng tự do ở Mị. Thế nên, quên thực tại bị giam cầm, Mị vùng bước đi. Chi tiết này đã minh chứng được sức sống mãnh liệt trong tâm hồn nhân vật đã chiến thắng con người nô lệ, cam chịu. Tâm hồn ấy đang đến với tự do, đang tràn trề khát vọng yêu đương của tuổi trẻ.

- Nhưng cũng chính lúc vùng bước đi theo tiếng sáo, sợi dây trói thắt vào tay chân đau không cựa được, Mị đành trở lại với hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã để nhận ra tiếng chân ngựa đạp vào vách.

+ Tiếng chân ngựa đạp vào vách là chi tiết nghệ thuật quan trọng, góp phần thể hiện tột cùng nỗi thống khổ của kiếp dâu gạt nợ. Sau bao năm tháng chìm đắm trong khổ đau, cam chịu, bây giờ Mị đã ý thức được nỗi đau thân phận, biết thương mình để thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

+ Đặt chi tiết tiếng sáo và tiếng chân ngựa cạnh nhau, Tô Hoài đã làm sáng lên thân phận khổ đau và khát vọng tự do trong tâm hồn Mị. Nếu tiếng sáo là biểu tượng của khát vọng tự do, hạnh phúc, là rung động thiết tha của tâm hồn trẻ trung yêu đời thì tiếng chân ngựa là thực tế phũ phàng, là biểu tượng cho kiếp nô lệ, bế tắc đè nén con người bấy lâu nay.

- Cả đêm hôm ấy, Mị sống trong tâm trạng đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, chập chờn giữa tỉnh và mê: Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cô đã thức tỉnh để nhận ra những bất hạnh, những cay đắng trong thân phận dâu gạt nợ của mình.

- Sự thức tỉnh thể hiện rõ hơn trong những suy nghĩ về nỗi khổ đau của bao thân phận phụ nữ Hồng Ngài lỡ sa chân vào nhà quan:

+ Từ thương thân, Mị nảy sinh cảm xúc thương người: Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay là họ cũng đang phải trói như Mị.

+ Mị nhớ lại cái chết của người đàn bà đời trước và nảy sinh cảm giác sợ hãi: Nhớ thế, Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cảm giác sợ chết là biểu hiện của niềm khát sống vừa hồi sinh trong Mị.

* Đánh giá:

- Từ diễn biến tâm trạng, hành động của Mị trong đoạn trích, có thể thấy những phẩm chất tốt đẹp mà sự tàn bạo của cường quyền và thần quyền không hủy diệt nổi: sức sống mãnh liệt tiềm tàng và khát vọng sống. Đó là phẩm chất của Mị nhưng cũng là vẻ đẹp tâm hồn người lao động Tây Bắc nói chung.

- Những phẩm chất đó đã làm nên sự hồi sinh thức tỉnh tâm hồn Mị, là tiền đề cho cuộc vượt thoát trong đêm mùa đông.

* Những đặc sắc nghệ thuật.

- Phương thức trần thuật gián tiếp, có sự kết hợp giữa lời kể, tả và bình của tác giả.

- Giọng trần thuật của tác giả hòa vào lời của nhân vật tạo nên ngôn ngữ nửa trực tiếp rất đặc sắc.

- Ngôn ngữ trần thuật giản dị, chân thực và gợi cảm.

- Bút pháp miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế: sử dụng độc thoại nội tâm, phân lập hai trạng thái, giao thoa đan cài vào nhau.

- Cách tạo tình huống hợp lí, dẫn dắt tình tiết khéo léo, tự nhiên.

- Lựa chọn chi tiết nghệ thuật độc đáo vừa có giá trị khái quát hiện thực vừa in đậm dấu ấn phong tục vùng miền núi phía Bắc.

2. Liên hệ với hình ảnh người đàn bà “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” được miêu tả trong truyện để rút ra nhận xét về sự đổi thay của nhân vật.

- Hình ảnh người đàn bà “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” phản ánh thân phận khổ đau và sự cam chịu, nhẫn nhục đến tê liệt tinh thần phản kháng ở Mị dưới sự đè nén của cường quyền và thần quyền.

- Nhưng trong đoạn văn trên, tâm hồn Mị đã hồi sinh thức tỉnh. Cô nhận thức được nỗi đau thân phận, nhận ra tội ác của cường quyền, từ đó mà nảy sinh cảm xúc thương mình, thương người và có ý thức phản kháng.

- Như vậy, đã có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Mị. Từ cam chịu đến phản kháng, từ vô cảm với nỗi đau của chính mình đến nảy sinh cảm xúc thương thân, thương người...

- Từ sự đổi thay của Mị, người đọc nhận thấy giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

III. Kết luận

- Khái quát lại vấn đề.

- Giá trị nội dung, nghệ thuật.

 

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com