Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi: (Tóm tắt đoạn trước: Sau khi từ Sài Gòn trở

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

(Tóm tắt đoạn trước: Sau khi từ Sài Gòn trở về vì đau tim, Thứ bị thất nghiệp. Đích, anh họ Thứ, chung vốn với Oanh, vợ chưa cưới của Đích, mở một trường tư ở ngoại ô Hà Nội. Do được bổ đi làm ở xa, Đích mượn Thứ đứng chân hiệu trưởng và mời dạy mấy lớp trên. Ban đầu, Thứ rất hào hứng, tận tâm nhưng chỉ ít lâu, anh chán nghề. Bao nhiêu tiền thu được đều vào túi Oanh. Oanh không những bóc lột sức lao động của Thứ và San (một giáo viên của trường, dạy các lớp dưới) mà khi nấu cơm cho họ, Oanh còn bắt họ ăn uống quá kham khổ. Nhiều lần Thứ định nói chuyện dứt khoát với Oanh để giải thoát cho mình và tổ chức lại cái trường cho tử tế. Nhưng bản tính nhút nhát, do dự, sợ va chạm nên Thứ cứ ngần ngại, để tình trạng nặng nề kéo dài. Cuộc sống chung đụng ngày càng không chịu nổi vì thói keo bẩn, thớ lợ của Oanh. Thứ bực và buồn lắm vì thấy rằng sống với người nhỏ nhen thì mình cũng thành nhỏ nhen).

(1) Thứ không đáp. Y ngẫm nghĩ. Mặt y hầm hầm và đôi môi y chụm lại. Rôi y hằn học bảo:

- Kiếp chúng mình, tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế. Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hi vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói. Lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?

(2) Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom sức lực của mình vào công cuộc

tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá như loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì? Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất. Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát loài người. Giê-su (Jesus) đã phải đổ máu ra. Thích Ca đã phải từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét.

Thứ thường có những lúc sực nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm buồn, tiếc cho mình. Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn thế này đâu. Có lẽ sẽ làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt!...

(Nam Cao, Sống mòn, in trong Tuyển tập Nam Cao, tập 2)

Trả lời cho các câu 707137, 707138, 707139, 707140, 707141 dưới đây:

Câu hỏi số 1:
Thông hiểu
Xác định ngôi kể được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu hỏi:707138
Phương pháp giải

Vận dụng kiến thức đã học về ngôi kể, điểm nhìn.

Giải chi tiết

Ngôi thứ ba.

Câu hỏi số 2:
Thông hiểu
Trong đoạn (1), theo nhân vật Thứ, “kiếp chúng mình” có đặc điểm gì?
Câu hỏi:707139
Phương pháp giải

Đọc tìm ý.

Giải chi tiết

Trong đoạn (1), theo nhân vật Thứ, “kiếp chúng mình” là những người phải sống cuộc đời tù túng, chật hẹp, bần tiện, không quan tâm được đến những điều cao quý mà chỉ quanh quẩn lo ăn, lo mặc, đặc biệt là lo hai bữa ăn mỗi ngày; họ sống khổ sở, nhục nhã, không phát triển được tài năng, trí óc của bản thân, chỉ sợ chết đói.

Câu hỏi số 3:
Thông hiểu
Nêu tác dụng của những câu hỏi tu từ có trong đoạn trích trên.
Câu hỏi:707140
Phương pháp giải

Vận dụng kiến thức đã học về biện pháp nghệ thuật.

Giải chi tiết

– Đoạn trích có các câu hỏi tu từ sau:

+ Như vậy thì sống làm gì cho cực?

+ Có ai muốn gục mặt xuống làm gì?

- Hai câu trên thể hiện sự băn khoăn, trăn trở, day dứt, đau đớn của Thứ khi suy ngẫm về cuộc đời của “chúng mình”.

Câu hỏi số 4:
Thông hiểu
Nhân vật Thứ trong đoạn trích là người như thế nào? Qua nhân vật, nhà văn muốn thể hiện tư tưởng gì?
Câu hỏi:707141
Phương pháp giải

Phân tích, lý giải.

Giải chi tiết

HS nêu câu trả lời theo quan điểm riêng.

Tham khảo các ý sau:

– Nhân vật Thứ trong đoạn trích là người trí thức có nhiều suy nghĩ tích cực, tiến bộ nhưng bị cái đói, cái nghèo làm cho phải sống cuộc sống tù túng, chật hẹp, đớn hèn, cơ cực,... Thứ muốn làm nhiều điều tốt đẹp nhưng bị “cuộc sông áo cơm ghì sát đất”, rơi vào bi kịch. Tuy nhiên, nhân vật luôn khao khát được vươn lên và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Qua nhân vật, nhà văn muốn thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với nhân vật; nêu lên bi kịch của người trí thức trong xã hội cũ.

Câu hỏi số 5:
Vận dụng
Anh / Chị có đồng tình với quan điểm “Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cải hoàn cảnh tốt!” không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 7 – 10 dòng.
Câu hỏi:707142
Phương pháp giải

Phân tích, lý giải.

Giải chi tiết

HS bày tỏ sự đồng tình hoặc phản đối quan điểm của Thứ: “Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cải hoàn cảnh tốt".

- Nếu đồng tình, cần nhấn mạnh hoàn cảnh tốt sẽ tạo điều điện thuận lợi cho tài năng nảy nở.

- Nếu phản đối, cần nhấn mạnh con người phải biết vượt lên trên hoàn cảnh, kiên định với lí tưởng của mình. Đôi khi nghịch cảnh lại là động lực để con người quyết tâm vươn tới những điều tốt đẹp hơn.

– Nếu vừa đồng tình vừa phản đối, cần kết hợp hai ý trên. Nội dung câu trả lời cần chặt chẽ, có sức thuyết phục; độ dài theo số dòng quy định.

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com