Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:             Ðêm hôm ấy, lúc trại giam

Câu hỏi số 206535:
Vận dụng

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

            Ðêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

            Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.

            Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căngtrên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.

a.Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào ? Của tác giả nào ? Đoạn văn trên mô tả cảnh tượng gì ?

b. Cảnh tượng trên hàm chứa nhiều yếu tố tương phản. Hãy phân tích những yếu tố tương phản đó.

Câu hỏi:206535
Phương pháp giải

Phân tích, tổng hợp

Giải chi tiết

a.

- Đoạn văn trên trích trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.

- Đoạn trích miêu tả cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục.

b. Phân tích những yếu tố tương phản trong đoạn trích:

 - Thứ nhất là sự tương phản trong tình huống sáng tạo nghệ thuật.

+ Bản chất của nghệ thuật chân chính là sáng tạo tự do.

+ Nay người nghệ sĩ tài hoa đang say mê tô từng nét chữ lại là một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng.

=> Nghệ thuật giúp cho cái đẹp bất tử, nhưng người sáng tạo nghệ thuật, người tạo ra cái đẹp bất tử lại là một tử tù đang ở đêm cuối cùng của cuộc đời, chỉ sớm mai, người phải vào kinh lĩnh án tử hình. => Nghịch lí xót xa ấy khiến cái đẹp trở nên mong manh, quí giá và giờ khắc tạo ra cái đẹp càng trang trọng, thiêng liêng.

- Tiếp nữa là sự tương phản xuất hiện trong hoàn cảnh sáng tạo nghệ thuật.

+ Người nghệ sĩ thư pháp thường viết chữ ở những thư phòng sáng sủa, thanh sạch, cao khiết.

+ Nay Huấn Cao cho chữ quản ngục trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

=> Những tương phản không chỉ làm hiện ra sự khắc nghiệt của hoàn cảnh mà còn cho thấy ý chí phi thường của những con người yêu cái đẹp, dám vượt lên trên mọi sự nghiệt ngã chốn ngục tù để sáng tạo, chiêm ngưỡng và lưu giữ cái đẹp.

- Sự tương phản sâu sắc nhất thể hiện trong vị thế của người tù và kẻ coi tù:

+ Người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng thì uy nghi, đàng hoàng, hiên ngang, đĩnh đạc viết chữ, cho chữ và dạy bảo, khuyên nhủ.

+ Những người coi tù thì run run, khúm núm; thậm chí nghẹn ngào khóc, vái người tù một vái.

=>Trước cái đẹp, cái thiện, mọi trật tự thông thường ở nhà tù đã bị đảo lộn: không còn người tù và kẻ coi tù; chỉ có Huấn Cao, người cho chữ, người sáng tạo, ban phát cái đẹp, cũng là người dạy bảo những bài học về cái thiện; còn quản ngục và thầy thơ lạ là người xin chữ, người chiêm ngưỡng và may mắn được tiếp nhận cái đẹp của nghệ thuật và thiên lương - và trật tự mới giữa họ được thiết lập theo tiêu chí của cái đẹp, cái thiện.

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến Lớp 11 cùng thầy cô giáo giỏi trên Tuyensinh247.com. Bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng. Cam kết giúp học sinh lớp 11 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com