Tel: 024.7300.7989 - Phone: 1800.6947 (Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)

Giỏ hàng của tôi

Cho đoạn thơ sau: “Cha xót phận tuổi già sức yếu, Lỡ sa cơ đành chịu bó tay, Thân lươn bao

Cho đoạn thơ sau:

“Cha xót phận tuổi già sức yếu,

Lỡ sa cơ đành chịu bó tay,

Thân lươn bao quản vũng lầy,

Giang san gánh vác sau này cậy con.

Con nên nhớ tổ tôn khi trước:

Đã từng phen vì nước gian lao.

Bắc Nam bờ cõi phân mao

Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây.

Kìa Trưng Nữ ra tay buồm lái,

Phận liễu bồ xoay với cuồng phong,

Giết giặc nước, trả thù chồng,

Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi.

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến;

Vì giống nòi huyết chiến bao phen.

Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên.

Gươm reo chính khí, nước rền dư uy.

Giở lịch sử gươm kia còn tỏ

Mở dư đồ đất nọ chưa tan

Giang san này vẫn giang san,

Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước,

Phải nhắc câu “Gia, Quốc” đôi đường,

Làm trai hồ thỉ bốn phương,

Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng.

Thời thế có anh hùng là thế,

Chữ vinh hoa sá kể làm chi!

Mấy trang hào kiệt xưa kia,

Hi sinh thân thế cũng vì nước non,

Con đương độ đầu son tuổi trẻ,

Bước cạnh tranh há để nhường ai?

Phải nên thương lấy giống nòi,

Đừng tham phú quý mà nguôi tấc lòng,

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục,

Thân tự do, chiên chúc mà vinh

Con ơi! Nhớ đức sinh thành,

Sao cho khỏi để ô danh với đời.”

Trích “Hai chữ nước nhà” - Trần Tuấn Khải

Hoàn cảnh ra đời: lấy đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược nước ta: Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) bị giặc bắt đem sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đi theo, nhưng tới biên giới phía Bắc, Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con nên quay trở về để lo tính việc trả thù nhà, đền nợ nước. Á Nam đã mượn lời người cha dặn dò con để gửi gắm tâm sự yêu nước của mình.

Giải nghĩa từ khó:

Phân mao: ngày xưa, cỏ ở những nơi cương giới thường được chia ngả về hai phía để phân định cương vực, lãnh thổ. Liễu bồ: tức bồ liễu, loài cây sớm rụng lá về mùa đông; xưa thường dùng để ví với người phụ nữ. Chính khí: sự ngay thẳng, tốt đẹp bên trong con người. Dư uy: uy lực còn sót lại Dư đồ: địa đồ, bức vẽ hình thể đất đai Hổ thỉ (trong cụm từ “tang bồng hổ thỉ”) tức cái cung bằng gỗ dâu, cái tên bằng cỏ bồng; xưa có tục lệ, khi sinh con trai thì dùng cung gỗ dâu, tên cỏ bồng bắn bốn phương, biểu trưng cho chí khí người con trai có thể vũng vẫy dọc ngang bốn bể, lập công danh hiển hách. Đỉnh chung (đỉnh: vạc, chung: chuông): ý nói nhà quyền quý, sang trọng (xưa kia nhà quyền thế thường nấu cơm bằng vạc, giờ cơm phải đánh chuông) Chiên chúc (chiên: cháo đặc, chúc: cháo loãng): ý chỉ sự nghèo khó, rau cháo qua ngày.

Trả lời cho các câu 717518, 717519, 717520, 717521, 717522, 717523 dưới đây:

Câu hỏi số 1:
Thông hiểu
Xác định thể thơ của đoạn trích đã cho và giải thích tại sao em chọn thể thơ đó.
Câu hỏi:717519
Phương pháp giải

Căn cứ đặc điểm thể thơ, phân tích.

Giải chi tiết

Đoạn thơ đã cho được viết theo thể thơ song thất lục bát vì:

- Đoạn thơ có chín khổ thơ, mỗi khổ gồm cặp song thất và cặp lục bát.

- Luật thanh: tuân thủ yêu cầu về thanh

Kiếp luồn cúi (T), đỉnh chung (B) cũng nhục (T),

Thân tự do (B), chiên chúc (T) mà vinh (B)

Con ơi (B)! Nhớ đức (T) sinh thành (B),

Sao cho (B) khỏi để (T) ô danh (B) với đời (B).

- Vần:

+ Tiếng cuối của dòng thất đầu tiên hiệp vần với tiếng thứ năm của dòng thất tiếp theo (vần trắc). Tiếng cuối của dòng thất tiếp theo hiệp vần với tiếng cuối của dòng lục (vần bằng). Tiếng cuối của dòng lục hiệp vần với tiếng thứ sáu của dòng bát (vần bằng). Tiếng cuối của dùng bát hiệp vần với tiếng thứ năm của dòng thất tiếp theo (vần bằng).

“Cha xót phận tuổi già sức yếu,

Lỡ sa cơ đành chịu bó tay,

Thân lươn bao quản vũng lầy,

Giang san gánh vác sau này cậy con.

Con nên nhớ tổ tôn khi trước

Đã từng phen vì nước gian lao.”

+ Dòng lục: vần chân, 3 dòng còn lại có vần chân và vần lưng.

- Nhịp: Hai dòng thất ngắt nhịp lẻ, thường 3/4; dòng lục và dòng bát ngắt linh hoạt hơn (thường 2/2/2, 2/2/2/2)

“Cha xót phận/ tuổi già sức yếu,

Lỡ sa cơ/ đành chịu bó tay,

Thân lươn/ bao quản/ vũng lầy,

Giang san/ gánh vác/ sau này/ cậy con.”

Câu hỏi số 2:
Thông hiểu
Mục đích của đoạn trích trên là gì?
Câu hỏi:717520
Phương pháp giải

Phân tích.

Giải chi tiết

Mục đích của đoạn thơ đã cho: khuyên nhủ, răn dạy người con phải biết sống quên mình vì nước nhà.

Câu hỏi số 3:
Thông hiểu
Chỉ ra một biện pháp tu từ điệp ngữ và nêu tác dụng.
Câu hỏi:717521
Phương pháp giải

Phân tích.

Giải chi tiết

Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “giang san”

Tác dụng:

+ Giúp cho câu thơ trở nên sinh động, giàu giá trị biểu đạt

+ Góp phần tô đậm, nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp thiếu của việc giúp nước nhà.

+ Thể hiện tình yêu nước sâu sắc và mong muốn con ra sức cứu nước, cứu dân.

Tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, nhắc đi nhắc lại cấu trúc “kìa...”

Tác dụng:

+ Giúp cho câu thơ trở nên sinh động, giàu giá trị biểu đạt

+ Góp phần tô đậm, nhấn mạnh dấu ấn vàng son trong lịch sử nước nhà.

+ Thể hiện tình yêu nước sâu sắc và mong muốn con ra sức cứu nước, cứu dân.

Câu hỏi số 4:
Thông hiểu
Xác định bố cục từ đó chỉ ra mạch cảm xúc của đoạn trích đã cho.
Câu hỏi:717522
Phương pháp giải

Phân tích.

Giải chi tiết

+ Phần 1 từ đầu đến “Giang san gánh vác sau này cậy con”: nỗi đau xót, khắc khoải của người cha khi bị giặc bắt đưa sang Trung Quốc, không thể làm gì được, đành nhờ con thay mình làm tròn bổn phận với nước nhà.

+ Phần 2 tiếp theo đến “Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?”: niềm tư hào của người cha khi nhắc con về những chiến công hào hùng đánh giặc, giữ nước trong lịch sử và bổn phận giữ gìn giang sơn của mỗi thế hệ

+ Phần 3 còn lại: cảm xúc tha thiết, mãnh liệt khi nhấn mạnh trách nhiệm của con là trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất phải sống để không hổ thẹn với lịch sử, tổ tiên và đấng sinh thành.

Câu hỏi số 5:
Thông hiểu
Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ.
Câu hỏi:717523
Phương pháp giải

Phân tích.

Giải chi tiết

Chủ đề: lòng yêu nước và niềm đau đáu với vận mệnh dân tộc của người cha

Cảm hứng chủ đạo: sự tự hào dân tộc và đồng tình với quan niệm của người cha về bổn phận của kẻ làm trai với vận mệnh “nước nhà”

Câu hỏi số 6:
Thông hiểu
Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua văn bản là gì?
Câu hỏi:717524
Phương pháp giải

Phân tích.

Giải chi tiết

Thông điệp: Sống xứng đáng với lịch sử oai hùng của dân tộc/Bảo vệ quê hương đất nước là trách nhiệm của mỗi con người

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Hỗ trợ - Hướng dẫn

  • 024.7300.7989
  • 1800.6947 free

(Thời gian hỗ trợ từ 7h đến 22h)
Email: lienhe@tuyensinh247.com